Thợ cơ khí thất vọng khi bị cấm chế tạo máy bay
Như các bạn biết chế tạo máy bay rất khó, vậy mà thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng, đã chế tạo máy bay trực thăng lại vừa bị công an yêu cầu viết cam kết không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm máy bay.
Ngoài ra, anh Thắng phải tháo gỡ động cơ máy nổ, cánh quạt ra khỏi chiếc máy bay.
Anh Thắng bên chiếc máy bay tự chế tạo
Khoảng giữa tháng 12/2013, anh Nguyễn Văn Thắng, 44 tuổi, ở tổ 7, phố Gia Quất, quận Long Biên, TP Hà Nội đã chế tạo, thử nghiệm máy bay trực thăng và được báo chí đưa tin.
Ngày 4/3, trao đổi với phóng viên, anh Thắng cho biết, khoảng cuối tháng 2/2014, hai công an quận Long Biên đã đến nhà lập biên bản yêu cầu gia đình phải viết cam kết không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm chiếc máy bay. Ngoài ra, anh Thắng phải tháo gỡ một số bộ phận như: máy nổ, cánh,… ra khỏi chiếc máy bay. Tuy nhiên, gia đình anh Thắng chỉ đồng ý ký vào cam kết ngừng chế tạo, thử nghiệm máy bay. Về yêu cầu gỡ động cơ ra khỏi chiếc máy bay, anh Thắng đã không đồng ý.
“Tôi phải mất gần một năm trời nghiên cứu tài liệu, thiết kế máy bay, thậm chí có hôm phải thức đến 2, 3h sáng để tìm hiểu cách làm máy bay. Đến khi tôi hoàn thiện lại bị cấm thì đúng là quá bất công. Tôi làm máy bay chỉ ở dạng mô hình, chứ có phải sản xuất đại trà đâu mà cấm”, anh Thắng chia sẻ.
Anh Thắng cho biết thêm, hai cán bộ công an nói rằng việc anh chế tạo, thử nghiệm máy bay đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực. Do vậy, họ đã yêu cầu anh phải ngừng ngay mọi hoạt động. Tuy nhiên, anh Thắng cho rằng lý do này chưa thuyết phục bởi anh thấy có một số nông dân ở tỉnh Tây Ninh chế tạo máy bay hay thợ cơ khí ở tỉnh Thái Bình chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1 đều không bị cấm.
“Tôi làm máy bay chỉ vì niềm đam mê, nghiên cứu khoa học. Tôi cũng không vi phạm pháp luật gì sao chính quyền lại cấm làm máy bay. Tôi thấy hụt hẫng, mất cảm hứng kể từ khi bị cơ quan chức năng yêu cầu làm cam kết ngừng chế máy bay”, anh Thắng bày tỏ.
Theo anh Thắng, cuối năm 2013, anh đã đem chiếc máy bay ra bãi đất trống gần khu vực ở thử nghiệm. Tuy nhiên, do thử nghiệm thất bại, chiếc máy bay của của anh đã bị gãy cánh chính, vỡ gương buồng lái. Kể từ đó, anh đem cất vào khu xưởng của một người bạn và không chỉnh sửa, lắp ghép gì thêm.
Đến khoảng ngày 18/1, lữ đoàn 918 của Binh chủng Phòng không Không quân cũng yêu cầu gia đình ký một bản cam kết với nội dung không được tiếp tục nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm. Đồng thời, gia đình phải giữ nguyên hiện trạng chiếc máy bay.
Sau đó khoảng nửa tháng, có đoàn bên Bộ Khoa học và Công nghệ sang trao đổi và muốn anh Thắng viết bản dự án chi tiết, hoàn thiện về chiếc máy bay. Họ sẽ hợp tác với anh trong quá trình nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm. Tuy nhiên, anh Thắng đã không đồng ý bởi anh muốn tự bản thân mình sẽ hoàn thiện và chế tạo thành công máy bay, sau đó mới nghĩ đến tương lai xa hơn.
“Giờ tôi đã dừng lại mọi hoạt động liên quan đến việc chế tạo máy bay. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn đang nung nấu ý tưởng hoàn thiện chiếc máy bay. Tôi cũng mong rằng Nhà nước có một cơ chế để những người đam mê khoa học như tôi có thể phát huy thế mạnh của mình”, anh Thắng nói.
Trước đó, năm 2013, trong một lần đọc báo thấy một người ở trong Sài Gòn chế tạo được máy bay, anh Thắng đã nảy sinh ý tưởng làm máy bay thử. Anh đã đi tìm mua loại thép có độ đàn hồi cao, chịu lực tốt về làm khung cho chiếc máy bay. Còn cánh quạt quay của máy bay, anh tìm mua loại thép dẻo làm xương sống cho cánh rồi bọc lớp inox vào hàn lại. Mất 3 tháng miệt mài, cộng với số tiền 200 triệu đồng chi phí cho việc mua nguyên liệu, anh Thắng đã hoàn thiện chiếc máy bay trực thăng cỡ nhỏ.
Chiếc trực thăng sử dụng động cơ ô tô Suzuki 38kW, 2.0L, với vòng tua 4000-4500 vòng/phút vì quá lớn nên anh phải giảm xuống còn 700 vòng/phút. Trực thăng có cân nặng 185kg, chiều cao 2m60, chiều rộng 1m55, chiều dài thân vào đuôi là 6m80 và chiều dài cánh là 5m50. Sau một số lần thử nghiệm chiếc máy bay đã nhấc lên khỏi mặt đất được khoảng 50cm.