Chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam
Trong những năm qua, các cơ chế chính sách để phát triển ngành cơ khí Việt Nam được triển khai như thế nào; các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã thực hiện thành công đến đâu? Đây là một yêu cầu đặt ra tại Hội nghị cơ khí toàn quốc ngày 11/4/2014 và cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều cơ quan ban ngành.
Theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu chung của chiến lược phát triển ngành cơ khí là: Ưu tiên phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm để đáp ứng về cơ bản nhu cầu của nền kinh tế quốc dân: thiết bị toàn bộ; máy động lực; cơ khí phục vụ nông- lâm- ngư nghiệp và công nghiệp chế biến; máy công cụ; cơ khí xây dựng; cơ khí đóng tàu thủy; thiết bị kỹ thuật điện – điện tử; cơ khí ôtô- cơ khí giao thông vận tải. Trong đó, mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 -50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng.
Với mục tiêu như vậy, trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách. Cụ thể như đối với Chương trình cơ khí trọng điểm, để triển khai Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/2003/QĐ-TTg ngày 9/6/2003 thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban; Bộ Công Thương đã thành lập Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm và Hội đồng thẩm tra các dự án cơ khí trọng điểm. Ngày 16/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn đến năm 2015.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ khác đối với ngành cơ khí: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ ngành cơ khí, cụ thể như: Về công tác đầu thầu; chế tạo thiết bị cơ khí thủy công; chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện; chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện; công nghiệp hỗ trợ…
Trong những năm qua có nhiều chỉ tiêu chưa đạt:
Năm 2012, giá trị SXCN ngành cơ khí việt nam đạt 227,9 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so giá trị SXCN ngành cơ khí đạt được năm 2000 là 33.830 tỷ đồng. Năm 2013, giá trị SXCN ngành cơ khí ước đạt 251.185 tỷ đồng.
Tổng giá trị SXCN toàn ngành cơ khí (bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) năm 2012 đạt 699.570 tỷ đồng, trong đó, sản xuất trong nước 227.910,9 tỷ đồng. Như vậy, theo giá trị, năm 2012 ngành cơ khí trong nước mới đáp ứng được 32,58% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn so với so với mục tiêu đề ra trong Quyết định số 186/QĐ-TTg, theo đó ngành cơ khí phải đáp ứng 45-50% nhu cầu trong nước. Năm 2013 tổng giá trị toàn ngành cơ khí ước đạt 772.216,2 tỷ đồng.
Có thể điểm qua một số ngành như chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công, sản xuất xe gắn máy, ngành xi măng, ngành chế tạo thiết bị điện… sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả. Cụ thể trước đây, đối với các nhà máy thuỷ điện, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thuỷ công, thế nhưng hiện nay toàn bộ phần này có thể do các DN cơ khí trong nước đảm nhận, kể cả đối với các nhà máy thuỷ điện lớn như Thuỷ điện Sơn La có công suất đến 2.400MW. Các Liên danh cơ khí trong nước đã chế tạo và cung cấp các thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thuỷ điện: A Vương, Plêykrông, Bản Vẽ, Quảng Trị, Sesan 3, Sesan 4, Đồng Nai, Huội Quảng, Bản Chát, Sơn La v.v… với tổng trọng lượng thiết bị lên tới hàng chục ngàn tấn.
Hoặc về sản xuất xe gắn máy, đã có những tiến bộ vượt bậc, không những thoả mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu khoảng 150.000 xe/năm (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy do trong nước sản xuất đạt khoảng 85 – 95%. Đối với ngành xi măng, cơ khí trong nước đã thiết chế tạo toàn bộ dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng công suất đến 800.000 tấn/năm. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã tham gia chế tạo thiết bị cho Nhà máy xi măng Sông Thao với tỷ lệ nội địa hóa đạt 70% về khối lượng, 40% về giá trị. Tổng công ty Cơ khí xây dựng đã chế tạo thành công thiết bị phi tiêu chuẩn và hệ thống băng tải cho Nhà máy xi măng Sông Gianh và chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ điện cho Nhà máy xi măng Đồng Bành. Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp đã chế tạo các trạm trộn bê tông xi măng công suất từ 120 đến 250 m3/giờ. Tổng công ty cổ phần xây dựng Công nghiệp Việt Nam đã chế tạo thiết bị Nhà máy xi măng Thái Nguyên với tỷ lệ nội địa hóa đạt 74% về khối lượng..