Chỉ đạt 40-50% công suất sản xuất thép đối với các doanh nghiệp thép
Vừa qua các doanh nghiệp thép sản xuất và tiêu thụ mặt hàng thép đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do mất cân đối về cung – cầu. Theo Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất chỉ đạt 40 – 50% công suất.
Điều này đã làm tăng chi phí cố định trên mỗi tấn sản phẩm. Mặt khác, nhu cầu vật liệu cuối năm 2013 đang giảm đáng kể dù các đại lý giảm nhẹ giá bán và giá từ các nhà máy cũng linh động hơn. Hiện lượng hàng bán ra ở mức thấp do sức mua trì trệ, hầu hết các dự án xây dựng đã hoàn thành những phần cơ bản trước Tết.
Trong tháng 01/2014, sản lượng sắt, thép thô ước đạt 236,8 nghìn tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 309,8 nghìn tấn, tăng 16,7%; thép thanh, thép góc ước đạt 248,7 nghìn tấn, giảm 3,0%. Một số nhà máy thép đã nghỉ sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán để tiết kiệm chi phí duy trì vận hành vì nhận thấy nhu cầu sẽ không tăng đột biến sau Tết.
Để khắc phục những khó khăn nội tại cũng như những rào cản trong thời gian tới, theo Bộ Công thương, ngành thép cần tiếp tục tập trung đầu tư năng lực sản xuất phôi thép nhằm tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu.
Mặt khác, từ ngày 25 tháng 01 năm 2014, một số mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời trong vòng 120 ngày theo Quyết định số 9990/QĐ-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương; và từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Bộ Công Thương quy định áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông theo QCVN 7: 2011 với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất thép và người tiêu dùng trong nước.